32 Vườn quốc gia ở Việt Nam mà bạn nhất định phải ghé thăm

Việt Nam là một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng. Trong đó phải kể đến các vườn gia ở Việt Nam với hệ động thực vật phong phú. Nếu có dịp hãy dành thời gian ghé thăm các vườn quốc gia Việt Nam ở các vùng miền đất nước để cảm nhận hết vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng các bạn nhé!

Mục Lục

Vườn quốc gia ở Việt Nam được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới

Di sản thiên nhiên thế giới là những nơi có nét đẹp tự nhiên nổi bật cần được bảo tồn, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học. Những địa điểm này được bảo vệ bởi pháp luật nhà nước và những công ước quốc tế, bởi giá trị to lớn đối với nhân loại.

Hiện tại, Việt Nam có 2 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận là Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Bái Tử Long ở Vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, một số vườn quốc gia khác như Vườn quốc gia Cát Tiên, Ba Bể và Hang Con Moong của Vườn quốc gia Cúc Phương đang được xét duyệt để được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Các vườn quốc gia ở Việt Nam được công nhận là vườn di sản ASEAN

Vườn di sản ASEAN là một danh hiệu quý báu để công nhận những khu vực thiên nhiên cần được bảo tồn có giá trị về mặt khoa học, văn hóa, du lịch của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Để có thể được xếp hạng vào nhóm vườn di sản ASEAN thì nơi đó cần có độ tự nhiên nguyên vẹn, hệ sinh thái đa dạng, nổi bật.

Hiện nay, Việt Nam với 10 vườn quốc gia được công nhận là Vườn di sản ASEAN: Vườn quốc gia Ba Bể (2003); Vườn quốc gia Chư Mom Ray (2003); Vườn quốc gia Hoàng Liên (2003); Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (2003); Vườn quốc gia U Minh Thượng (2012); Vườn quốc gia Bái Tử Long (2016); Vườn quốc gia

Vũ Quang, Vườn quốc gia Bidoup Núi, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (2019).

Những khu dự trữ sinh quyển thế giới

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu cao quý được trao tặng bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Đây là những khu vực thiên nhiên cần dược bảo tồn có hệ sinh thái độc đáo, góp phần phát triển sự đa dạng sinh học.

Hiện tại, Việt Nam có các vườn quốc gia được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới là:

  • Vườn quốc gia Cát Bà là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.
  • Vườn quốc gia Xuân Thủy và Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
  • Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An.
  • Vườn quốc gia Cát Tiên trùng ranh giới với khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên.
  • Các vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven Biển Tây là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
  • Các vườn quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc, Rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương – Kiên Hải là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang.

Các vườn quốc gia của Việt Nam được công nhận là khu Ramsar

Khu Ramsar là những vùng đất ngập nước có giá trị cần được bảo tồn nhằm phục vụ mục đích sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên lâu dài, bền vững.

Đến hiện tại những vườn quốc gia tại Việt Nam được công nhận là khu Ramsar là: Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu ngập nước Bàu Sấu (Cát Tiên), Vườn quốc gia Ba Bể, vườn quốc gia Tràm Chim, vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Côn Đảo, Láng Sen, vườn quốc gia U Minh Thượng và Vân Long.

Các vườn quốc gia vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Trung du miền núi phía Bắc có địa hình và khí hậu khá đa dạng. Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây rất nhiều cảnh quan đẹp cùng hệ sinh thái phong phú. Nơi đây có 7 vườn quốc gia: Bái Tử Long, Ba Bể, Phia Oắc – Phia Đén, Tam Đảo, Xuân Sơn, Hoàng Liên và Du Già.

Vườn quốc gia Bái Tử Long

Vườn quốc gia Bái Tử Long

Vườn quốc gia Bái Tử Long nằm ở vùng lõi vịnh Bái Tử Long huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Có tổng diện tích 15.783 ha, trong đó diện tích rừng và đất rừng là 6.125 ha với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ và 9.650ha diện tích mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập nước. Trong đó khu sinh thái đảo Ba Mùn, xã Minh Châu là vùng lõi của vườn quốc gia. Hệ sinh thái động thực vật tại khu vực Vườn Quốc gia Bái Tử Long rất đa dạng, quý hiếm và có giá trị cao cần được bảo tồn.

Tháng 5/2017, vườn quốc gia Bái Tử Long là vườn quốc gia thứ 6 của Việt Nam và thứ 38 của ASEAN được công nhận là vườn di sản ASEAN. Các hoạt động du lịch như thám hiểm, lặn biển ngắm san hô, ngắm rừng nguyên sinh, tắm biển…đều là những hoạt động thú vị khi bạn ghé thăm nơi đây.

Vườn quốc gia Ba Bể

Vườn quốc gia Ba Bể

Vườn quốc gia Ba Bể ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích là 10.048 ha, trong đó 3.846 ha được phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; 6.162 ha phân khu phục hồi sinh thái và 40 ha phân khu hành chính dịch vụ. Nơi đây là một địa điểm du lịch sinh thái thú vị với nhiều cảnh quan kỳ thú, vẫn giữ được vẻ hoang sơn, tự nhiên. Năm 2003, Ba Bể đã được công nhận là Vườn Di sản của ASEAN.

Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén

Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén

Vườn Quốc gia Phia Oắc – Phia Đén thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng có tổng diện tích hơn 10.500 ha, trong đó rừng nguyên sinh là 8.146,6 ha, đỉnh cao nhất cách 2.000m so với mặt nước biển.

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén có nhiều khoáng sản quý hiếm như vàng, bạc, thiếc, vonphram, quặng uranium… Nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên với nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Phia Oắc – Phia Đén trong những ngày mùa đông được bao phủ bởi lớp băng tuyết tuyệt đẹp, cảnh tưởng vô cùng hùng vĩ, tạo nên một bức tranh châu âu ngay tại Việt Nam.

Vườn quốc gia Tam Đảo

Vườn quốc gia Tam Đảo

Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo. Đây là dãy núi lớn, trải dài 80 km, chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Vườn quốc gia Tam Đảo trải rộng trên ba tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Vườn quốc gia Tam Đảo là khu rừng sinh thái lớn nhất miền Bắc, khu vườn rộng 34.995 ha, trong đó có 26.163 ha rừng, chủ yếu là dạng rừng tự nhiên mưa ẩm thường xanh với độ che phủ chiếm 70% diện tích toàn vườn. Dãy núi Tam Đảo được chia ra làm 2 sườn rõ rệt là sườn Đông và sườn Tây, lượng mưa hàng năm ở hai nơi là khác nhau cho nên khí hậu của hai vùng cũng khác nhau. Cũng chính vì đặc điểm khí hậu, lượng mưa, nhiệt độ khác nhau cho nên khu vườn rất đa dạng về hệ sinh thái, thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài.

Nơi đây quanh năm có khí hậu mát mẻ, dễ chịu, là một điểm đến tham quan du lịch, dã ngoại đầy thú vị. Tuy nhiên, nếu bạn chưa từng đến đây thì nên có người hướng dẫn đi cùng để tránh bị lạc trong những con đường khác nhau.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Vườn quốc gia Xuân Sơn là một địa điểm du lịch sinh thái khá thú vị ở Phú Thọ. Vườn quốc gia có diện tích 33.687 ha trong đó vùng lõi hơn 15.000 ha, vùng đệm hơn 18.600 ha. Nơi đây có nguồn thiên nhiên vô cùng phong phú và quý giá, luôn được bảo vệ bởi những đồng bào dân tộc thiểu số Dao, Mường…

Theo như thống kê mới nhất, vườn quốc gia Xuân Sơn có khoảng 1217 loài thực vật, 365 loại động vật.

Khi du lịch đến Xuân Sơn, bạn không chỉ được ngắm cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được tìm hiểu những giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc. Đồng thời, du khách còn có chuyến đi khám phá hệ thống hang động kỳ thú Hang Thổ Thần, hang Na, hang Lạng kết hợp với thác nước Lưng trời.

Vườn quốc gia Hoàng Liên

Vườn quốc gia Hoàng Liên

Vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc địa phận tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu. Vườn quốc gia Hoàng Liên là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam có tổng diện tích vùng lõi 29.845 ha, bao gồm một hệ thống núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, trong đó có đỉnh Fansipan cao 3.143 m và diện tích vùng đệm là 38.724 ha.

Với những nét đặc thù về khí hậu, thời tiết, địa hình của Hoàng Liên, đã hình thành tại đây hệ động – thực vật vô cùng phong phú. Theo đánh giá của các nhà khoa học, vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, đặt biệt là hệ thực vật rừng. Với sự độc đáo và đa dạng hiếm có, năm 2006, vườn quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Khí hậu nơi đây vô cùng đặc biệt, 4 mùa xuân, hạ, thu, đông thay đổi chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Sẽ thật thú vị khi du khách được một lần trải nghiệm dừng chân nghỉ đêm ở Hoàng Liên, được thưởng thức những tiết mục ca múa nhạc của bà con dân tộc Mông, Dao, Gíay…Và thăm quan những ngôi nhà sàn mang nét đặc trưng riêng của người dân nơi đây.

Vườn quốc gia Du Già

Vườn quốc gia Du Già

Vườn quốc gia Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn có một phần diện tích nằm trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Với tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia Du Già là 15.006,3 ha thuộc địa bàn 3 xã của 3 huyện, tỉnh Hà Giang là: Xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên; xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê; xã Du Già, huyện Yên Minh. Theo như những tài liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, vườn quốc gia Du Gìa có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm như vọoc mũi hếch, vượn đen má trắng, sơn dương nâu; các loại cây bách xanh, bách xanh núi đá, nghiến, đinh…

Nơi đây cũng là một địa điểm tham quan du lịch khá lý thú. Bởi nét độc đáo về văn hóa truyền thống vẫn nguyên vẹn của bà con dân tộc Mông, Dao, Tày…như: Lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, lễ hội cầu mùa, lễ hội Gầu Tào, lễ tết nhảy, chợ phiên, chợ tình…Rồi những sắc áo thổ cẩm, những điệu múa theo tiếng cồng chiêng rất riêng luôn làm ấm lòng mỗi du khách khi tới đây.

Các vườn quốc gia vùng Đồng Bằng Bắc Bộ

Đồng bằng Bắc Bộ còn được gọi là Đồng bằng sông Hồng, là vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nơi đây chính là chiếc nôi văn hóa của con người Việt Nam.Vùng đồng bằng Bắc Bộ có 4 vườn quốc gia là Cát Bà, Xuân Thủy, Ba Vì và Cúc Phương.

Vườn quốc gia Cát Bà

Vườn quốc gia Cát Bà

Vườn quốc gia Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, tỉnh Hải Phòng với tổng diện tích tự nhiên của vườn là 16,196.8 ha Vườn quốc gia Cát Bà có tổng diện tích 15.200ha, trong đó 9.800ha đất và rừng, 5.400ha là mặt nước biển. Vườn quốc gia Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004 với quần thể sinh vật phong phú và độc đáo. Đặc biệt, vườn quốc gia Cát Bà là nơi duy nhất còn có một quần thể voọc đầu trắng là loài linh trưởng quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Vườn quốc gia Cát Bà là sự kết hợp của nhiều hệ sinh thái khác nhau: rừng xanh trên núi đá vôi, rừng ngập mặn ven biển, quần thể san hô gần bờ, hang động, thung lũng và khu vực dân cư. Khi đến tham quan du lịch nơi đây, du khách sẽ có cơ hội khám phá vẻ đẹp kỳ thú của từng hệ sinh thái.

Vườn quốc gia Xuân Thủy

Vườn quốc gia Xuân Thủy

Vườn quốc gia Xuân Thủy với tổng diện tích là 12.000 ha thuộc vùng cửa sông Hồng, nằm hầu hết ở địa phận xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, Nam Định, trải dài qua Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh. Riêng diện tích vùng lõi 7.100 ha, là nơi sinh sống của 120 loài thực vật, hơn 500 loài động vật và 30 loài bò sát và lưỡng cư. Sự kết hợp phù sa màu mỡ của sông Hồng và vùng ven biển đã biến khu vực này thành một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế. Trong đó, điển hình phải kể đến là loài Choắt lớn mỏ vàng, Rẽ mỏ thìa, Te vàng, bồ nông chân xám, Mòng biển mỏ ngắn, cò quắm đầu đen, cò thìa, cò lạo Ấn Độ, cò trắng Trung Quốc…

Vườn quốc gia Xuân Thuỷ là vùng ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế ramsar vào năm 1989 và là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới. Năm 2004, UNESCO đã công nhận đây là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Nơi đây là một địa điểm du lịch sinh thái rất thú vị dành cho những người yêu thích thiên nhiên hoang dã và muốn khám phá, tìm hiểu thêm về tập tính, sinh sống của các loài chim.

Vườn quốc gia Ba Vì

Vườn quốc gia Ba Vì

Vườn quốc gia Ba Vì với tổng diện tích là 11.372 ha, nằm trên dãy núi Ba Vì thuộc Thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình. Ba Vì là một quần thể núi gồm 6 đỉnh, cao nhất là đỉnh Vua với độ cao 1.29 6m, đỉnh Tản Viên cao 1.227 m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 m. Theo thống kê nghiên cứu, Ba Vì hiện còn bảo tồn được nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Ba Vì có nhiều di tích lịch sử hấp dẫn gắn liền với những truyền thuyết nổi tiếng như Sơn Tinh – Thủy Tinh, đỉnh Vua, đền Thượng – Trung – Hạ, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều địa điểm tham quan khá thú vị: vườn xương rồng, động Ngọc Hoa, di tích lịch sử cách mạng cứ điểm 600, khu quân sự Pháp, khu trại hè Pháp, nhà thờ cổ, nhà tù thời Pháp, đền thờ Tản Viên, đền thờ Bác Hồ và tháp Bảo Thiên…

Vườn quốc gia Ba Vì có khí hậu mát mẻ, trong lành, sẽ thật tuyệt vời khi bạn được hòa mình vào thiên nhiên nơi đây.

Vườn quốc gia Cúc Phương

Vườn quốc gia Cúc Phương

Vườn Quốc gia Cúc Phương có diện tích là 22.408 ha nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp thuộc địa phận 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Vườn Quốc Gia Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam được thành lập từ năm 1962.

Cúc Phương có hệ động thực vật rất phong phú: 2234 loài thực vật bậc cao và Rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài có tên trong sách đỏ của Việt Nam; 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 135 loài thú (trong đó có loài voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng quý hiếm được chọn làm biểu tượng của Vườn quốc gia Cúc Phương); Và 336 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương.

Bên cạnh hệ sinh thái đa dạng, vườn quốc gia Cúc Phương còn có nhiều hang động: động Trăng Khuyết, động Chúa, động Thuỷ Tiên, động Người Xưa, hang Con Moong, động San Hô…

Vườn quốc gia Cúc Phương là một địa điểm thăm quan đầy lý thú, hấp dẫn du khách với nhiều cảnh quan đẹp của thiên nhiên hoang dã; Và các hoạt động du lịch sinh thái, đạp xe trong rừng, tìm hiểu các điểm đa dạng sinh học, xem các chương trình văn nghệ dân tộc, bơi thuyền kayak,…hay tắm nước khoáng nóng tự nhiên.

Các vườn quốc gia Bắc Trung Bộ

Bắc Trung Bộ nằm trên dải đất hẹp nhất của Việt Nam, một bên là dãy núi Trường Sơn, một bên là biển Đông. Nơi đây có nguồn tài nguyên du lịch biển phong phú cùng nền văn hóa đặc sắc của 25 dân tộc thiểu số, hứa hẹn sẽ là điểm đến đầy lý thú cho du khách. Bắc Trung Bộ có 5 vườn quốc gia là Bến En, Vũ Quang, Phong Nha Kẻ Bàng và Bạch Mã.

Vườn quốc gia Bến En

Vườn quốc gia Bến En

Vườn quốc gia Bến En thuộc địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân tỉnh Thanh Hoá. Rừng tự nhiên với tổng diện tích là 14.735 ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm 8.544ha. Các loài động vật hoang dã hiện có như gấu ngựa, voọc má trắng, vượn đen, sói đỏ, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng… Có khoảng 3000 ha hồ nước sâu có ba ba, các loài cá, đặc biệt có cá mè cân nặng lên đến 50 kg… Về hệ thực vật có 58 loài trong danh lục đỏ IUCN 2013, 46 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Khi đến với nơi đây, các bạn sẽ có dịp thăm quan các địa danh nổi tiếng, tìm hiểu về nhiều loài động vật quý hiếm – một điểm đến đầy hứa hẹn những điều thú vị.

Vườn quốc gia Vũ Quang

Vườn quốc gia Vũ Quang

Vườn Quốc gia Vũ quang nằm phía tây tỉnh Hà Tĩnh, sát biên giới Việt – Lào với tổng diện tích 56.915,6 ha, trong đó rừng đặc dụng là 52.881 ha. Nơi đây có rất nhiều loài lâm sản quý hiếm cùng các laoif động thực vật được đánh giá cao, có giá trị cần bảo tồn.

Nếu có dịp đến thăm quan vườn quốc gia Vũ Quang, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm du lịch mạo hiểm hay du lịch thể thao đến thác Vũ Môn theo huyền thoại cá chép hóa rồng, đi thuyền ở lòng hồ Ngàn Trươi cũ, cánh đồng Đượng Xương, thăm di tích thành cụ Phan…

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới và cũng là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam tính thời điểm hiện tại được Unesco công nhận. Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng là vườn quốc gia có diện tích lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích 123.326 ha, trong đó khu vực bảo vệ nghiêm ngặt là 100.296 ha.

Phong Nha Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái bắc Trường Sơn, là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới. Nơi đây có giá trị to lớn về mặt địa chất, sinh học, lưu trữ các tài liệu quý về lịch sử và tiến trình vận động, phát triển của thế giới tự nhiên có niên đại hơn 400 triệu năm.

Đến với Phong Nha Kẻ Bàng các bạn sẽ có cơ hội khám phá kỳ quan hang Sơn Đoong, Động Phong Nha, Động Thiên Đường, Hang Tối……hay thưởng ngoạn vẻ đẹp của suối Nước Mooc, Sông Chày, thác Gió…

Vườn quốc gia Bạch Mã

Vườn quốc gia Bạch Mã

Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích là 37.487ha, nằm phía cuối dãy Trường Sơn Bắc kéo dài từ biên giới Việt Nam – Lào đến Biển Đông. Tọa lạc ở độ cao 1.450m so với mực nước biển nên nơi đây sở hữu không khí vô cùng trong lành với 4 mùa trong ngày rất thú vị.

Đến với vườn quốc gia Bạch Mã du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài hoa, phong cảnh trữ tình hoặc có thể tham gia các hoạt động cắm trại, tắm suối, xem chim, đi bách bộ, thắp hương lễ Phật, thăm quan các khu biệt thự cổ…Hay lý thú hơn nữa là thăm quan thác Trĩ Sao – nơi có nhiều chim trĩ sao sinh sống, thác Đỗ Quyên hùng Vĩ, đường mòn Ngũ Hồ dẫn đến 5 hồ nước nằm nối tiếp nhau được hình thành từ một con suối lớn; đường mòn Vọng Hải Đài dẫn đến đài ngắm cảnh trên đỉnh Bạch Mã, bao quát cảnh Đèo Hải Vân, vịnh Chân Mây…

Các vườn quốc gia vùng Nam Trung Bộ

Vùng Nam Trung bộ có 2 vườn quốc gia: Phước Bình và Núi Chúa. Nơi đây có đường bờ biển đẹp, nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa.

Vườn quốc gia Phước Bình

Vườn quốc gia Phước Bình

Vườn quốc gia Phước Bình thuộc địa phận huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận có tổng diện tích 19.814 ha, trong đó có 10.486 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Vườn quốc gia Phước Bình có địa hình trải dài từ độ cao từ 300m đến 1.926m so với mặt nước biển. Với hệ sinh thái đa dạng, động thực vật có các laoif đặt biệt quý hiếm.

Khi đến thăm quan vườn quốc gia Phước Bình, du khách sẽ có những trải nghieemk đầu thú vị như: khám phá rừng nguyên sinh hoang sơ, tắm nước suối; du thuyền trên suối ngắm cảnh; đi bộ trong rừng quan sát một số loài linh trưởng, bướm và tìm hiểu nhiều cây thuốc quý, tham quan, tìm hiểu các hoạt động văn hoá, sản xuất, đời sống của người Raglai-Chu ru…

Vườn quốc gia Núi Chúa

Vườn quốc gia Núi Chúa

V­ườn quốc gia Núi Chúa thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận, có diện tích tự nhiên là 29.856 ha, trong đó có 22.513 ha đất liền, 7.352 ha biển. Nơi đây hội tụ đủ các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình tạo nên hệ sinh thái khô hạn mang nét đặc trư­ng ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Vườn Quốc gia Núi Chúa nằm trên khu vực núi lấn ra biển nên bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung chảnh tuyệt đẹp xung quanh. Đặc biệt nơi đây là nơi hiếm khi có rùa biển sinh sản trên đất liền như Rùa xanh, Vích, đồi mồi, Rùa đầu to, Rùa da.

Vùng đệm Vườn quốc gia Núi Chúa còn là nơi sinh sống của người dân tộc Raglay, Chăm, Kinh, Hoa…với nền văn hóa đặc sắc, có nhiều lễ hội truyền thống như đưa thuyền, hát lăng, thờ cá Ông…

Khi đến với nơi đây ngoài du lịch thăm quan, bạn còn có thể tắm biển, câu cá trên biển, leo núi hay xem rùa đẻ trứng (nếu vào đúng mùa sinh sản của chúng)…

Các vườn quốc gia vùng Tây Nguyên

Tây Nguyên là một vùng văn hóa đặc sắc với cồng chiêng Tây Nguyên, nhà rông, tập tục uống rượu cần, đốt lửa, các truyền thuyết, sử thi, trường ca, lễ hội…và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Vùng Tây Nguyên tập hợp nhiều cao nguyên, khu bảo tồn tự nhiên và các vườn quốc gia đó là: Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Bidoup Núi Bà và Tà Đùng.

Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray

Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray

Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray thuộc tỉnh Kon Tum có diện tích 56.249 ha. Vườn quốc gia nằm ở độ cao từ 200m đến 1.773m so với mực nước biển, có địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối lớn nhỏ. Chính điều đó đã tạo nên một hệ động thực vật phong phú cho nơi đây. Năm 2004, Vườn quốc gia Gia Chư Mom được hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Và đây cũng chính là Vườn Quốc gia duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với hai nước Lào và Campuchia.

Khi đến thăm quan nơi đây, bạn sẽ có dịp tìm hiểu về những phong tục, tập quán đặc sắc của các dân tộc bản địa và thăm quan những địa danh nổi tiếng: đường Trường Sơn, địa danh H 67 – căn cứ địa của bộ đội Tây Nguyên anh dũng với đồi Sạc Ly, sân bay Phượng Hoàng, cửa khẩu quốc tế Bờ Y, thuỷ điện Yaly…

Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh

Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở khu vựa phía đông bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 50km, có diện tích 41.780 ha. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có hệ sinh thái rừng đặc trưng cho 2 kiểu khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới với đầy đủ các loài động, thực vật nguyên sinh, nằm trong sách đỏ như loài voọc chà vá chân xám-một trong những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới. Kon Ka Kinh còn sở hữu loài chim độc đáo, được xem là biểu tượng của Vườn Quốc gia phong phú và độc đáo nằm giữa Đông và Tây Trường Sơn, đó là loài khướu Kon Ka Kinh (hay còn gọi là khướu tai hung). Với những giá trị đó vào ngày 18/12/2003, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đã được công nhận là vườn di sản ASEAN.

Vườn Kon Ka Kinh lấy tên đỉnh núi cao nhất, cao 1.748m so với mực nước biển cùng tên làm tên gọi. Nơi đây được mệnh danh là “nóc nhà của tỉnh Gia Lai”.

Đến với Kon Ka Kinh, bạn sẽ được ngắm nhìn sự hùng vĩ của dãy núi Trường Sơn, được tận hưởng không khí trong lành, những âm thanh trong trẻo núi rừng Tây Nguyên. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội khám phá những phong tục tập quán, nét đẹp trong sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Ba Na.

Vườn quốc gia Yok Đôn

Vườn quốc gia Yok Đôn

Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.545 ha thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Với hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng đứng hàng đầu cả nước, nên được xếp vào danh sách cần được bảo tồn, bảo vệ trên thế giới. Vườn quốc gia Yok Đôn là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn khu rừng khộp. Một kiểu rừng đặc trưng với các cây thuộc họ Dầu lá rộng có giá trị lớn đối với hệ sinh thái, khoa học, du lịch….

Đến thăm quan Yok Don, bạn sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm đầy thú vị như cưỡi voi, đạp xe, leo núi trong rừng khộp, đi thuyền độc mộc, thuyền máy trên sông, tắm suối Đắk Lau, Đắk Te, Đắk Ken, tham quan thác Bảy Nhánh, Thác Phật…Ngoài việc khám phá những điều kỳ thú dưới tán rừng khộp, du khách còn có thể tham gia, tìm hiểu thêm nét văn hóa đặc sắc, thưởng thức món ăn truyền thống, giao lưu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với đồng bào dân tộc nơi đây.

Vườn quốc gia Chư Yang Sin

Vườn quốc gia Chư Yang Sin

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin nằm ở địa phận tỉnh Đắk Lắk, có diện tích 59.521,9 ha. Đây là một trong những khu rừng nguyên sinh cổ xưa hiếm hoi còn lại ở Việt Nam. Nằm ở điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn thuộc khu vực Nam Tây Nguyên và là một phần của Vùng chim đặc hữu của Cao Nguyên Đà Lạt, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin có hệ sinh thái thực vật đa dạng, độc đáo và có tính đặc hữu cao, được xem là mẫu chuẩn cho hệ sinh thái rừng ở Tây Nguyên.

Khi tham quan Vườn quốc gia Chư Yang Sin, du khách có thể lựa chọn những tuyến tour phù hợp như: đi ngắm rừng thông cổ thụ, quần thể pơ mu ngàn năm tuổi, quan sát chim thú hoang dã, hay đạp xe địa hình theo tuyến đường rừng, chèo thuyền độc mộc trên sông, tới thác vui chơi và tổ chức picnic… Đặc biệt đối với những người ưu mạo hiểm có thể trải nghiệm cuộc sống trong rừng như cắm trại, nấu ăn, ngủ lại qua đêm trong rừng, lội suối, băng rừng…để chinh phục đỉnh núi Chư Yang Sin cao 2.442m. Bên cạnh đó, du khách có thể tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc nơi đây của các đồng bào dân tộc Êđê, M’Nông, nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn thoáng mát, thưởng thức các món ăn dân giã ngon như cơm lam, gà nướng, rượu cần…

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà

Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà thuộc Huyện Lạc Dương Tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích 70.038,45 ha nằm trên nguyên Langbiang (còn gọi là cao nguyên Lâm Viên). Vườn quốc gia là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới và là một trong4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Rừng ở đây đa dạng với nhiều hệ rừng kín, rừng thưa cây lá kim, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim á nhiệt đới, rừng lùn đỉnh núi, kiểu phụ rừng rêu…Hệ động thực vật phong phú, đặc biệt trên đỉnh núi cao nhất ở Bidoup – Núi Bà có một cây pơmu hiếm gần 1.300 năm tuổi. Đỉnh Bidoup nằm ở độ cao 2.287m so với mực nước biển, đây được menh danh là nóc nhà của tỉnh Lâm Đồng và cao nguyên Lâm Viên.

Chính hệ sinh thái đặc sắc trên đã thu hút nhiều người đến khám phá, thăm quan vườn quốc gia, đặc biệt là những dịp cuối tuần, nghỉ dài ngày. Nơi đây quả thực là một địa điểm lý tưởng để dã ngoại, cắm trại, khám phá thiên nhiên. Trong hành trình, du khách có thể lựa chọn tuyến thăm quan phù hợp như: tuyến chinh phục Langbian, ngoài tận hưởng, khám phá thiên nhiên, du khách sẽ được ghé thăm làng Bon Đưng. Hay tuyến chinh phục Bidoup, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng các loài động thực vật cổ: Thông 2 lá dẹt, thông 5 lá, cây pơ mu trên 1.300 tuổi, các loài hoa và chim rừng, những mỏm đá phủ đầy rêu phong… Hoặc một số tuyến du lịch khác như: Tham quan thác Cổng Trời và hồ Suối Vàng, tuyến thác K’Long KLanh (cách đường Tỉnh lộ 723 khoảng 2 km) và chinh phục đỉnh Hòn Giao…

Vườn quốc gia Tà Đùng

Vườn quốc gia Tà Đùng

Vườn Quốc gia Tà Đùng thuộc huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông có diện tích 20.937,7 ha, trong đó có 16.176,65 ha đất có rừng. Tà Đùng có giá trị về đa dạng sinh học bậc nhất tỉnh Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung với hơn 2.000 loài động, thực vật. Trong đó, có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, được ưu tiên bảo tồn như: báo hoa mai, vượn má hung, cu li nhỏ, mang lớn, gà lôi, công, niệc mỏ vằn, đặc biệt là vùng chim đặc hữu.

Khám phá vườn Quốc gia Tà Đùng khá phù hợp với những du khách thích tìm hiểu về thế giới tự nhiên, bởi nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ vốn có. Đặc biệt hồ Tà Đùng được ví như Vịnh Hạ Long trong rừng Tây Nguyên với 47 đảo lớn nhỏ. Ngoài ra, còn có rất nhiều những dòng suối lớn nhỏ tạo lên nét đẹp hùng vĩ bao la của núi rừng như suối Đắk N’teng, Đắk P’lao chảy qua những tảng đá tạo nên thác bảy tầng, thác mặt trời, thác Đắk Plao, thác Digne Klan… Đến với Tà Đùng, du khách không chỉ di lịch khám phá mà còn có thể nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn cảnh đẹp tự nhiên, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của dân tộc người Mạ…

Các vườn quốc gia vùng Đông Nam Bộ

Vùng Đông Nam Bộ là vùng đất giữa cao nguyên Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, ít xảy ra các biến động phức tạp. Đông Nam Bộ có 4 vườn quốc gia: Cát Tiên, Côn Đảo, Bù Gia Mập và Lò Gò – Xa Mát.

Vườn quốc gia Cát Tiên

vườn quốc gia cát tiên

Vườn Quốc Gia Cát Tiên thuộc địa phận 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, cách TP HCM khoảng 150 km, có diện tích 70.548,36 ha. Nằm giữa hai vùng sinh học cao nguyên Trường Sơn và vùng đồng bằng Nam Bộ, nên Vườn quốc gia Cát Tiên hội tụ đủ các loài thực vật, động vật phong phú như gõ đỏ, cẩm lai, gõ mật, giáng hương… Ngày 10 tháng 11 năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 và là khu dự trữ sinh quyển thứ 2 của Việt Nam. Ngày 04 tháng 8 năm 2005, khu đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Đây là khu đất ngập nước thứ 1.499 của thế giới và là khu thứ hai của Việt Nam.

Khi đến với Cát Tiên, bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn những loài nấm lạ, những loại hoa rừng quý hiếm hay tham gia đạp xe trên cung đường xuyên rừng đẹp nhất Việt Nam, tắm sông, tắm suối, cắm trại nghỉ đêm tại Bàu Sấu,…chèo thuyền Kayak, leo núi, khám phá nét văn hóa đời sống của dân tộc Mạ – Stiêng…

Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập ở xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước có diện tích 25.601,18 ha. Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nằm trong đoạn cuối của dãy Trường Sơn Nam, nên có hệ sinh thái đặc trưng chuyển tiếp từ Tây Nguyên Đông Nam Bộ với kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa thường xanh ẩm nhiệt đới cộng với hệ thống ghềnh thác, hồ, suối… đan xen.

Hiện nay, vườn quốc gia Bù Gia Mập đã triển khai nhiều tour du lịch khám phá thú vị như: Giếng Trời – thác Đắk Bô, đường 14C – thác Đắk Bô, suối Đắk Ka, thác Lưu Ly, suối Đắk Manh, đồi 702 – Đắk Ca, thác Đắk Mai, thác Đắk Dốt, thác Đắk Sam, suối Đắk Mai – Ngầm 79…

Đến với nơi đây, bạn không chỉ được tham gia các hoạt động trải nghiệm khám phá thiên nhiên mà còn có cơ hội tìm hiểu nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người S’tiêng, M’nông…

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát có diện tích 18.803 ha thuộc địa phận huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh. Trong hệ sinh thái toàn cầu, vườn quốc gia nằm tại phía Nam và là đại diện duy nhất của Vùng sinh thái rừng khô miền Trung Đông Dương – một trong bốn vùng sinh thái toàn cầu tại miền Nam Việt Nam. Là vùng chuyển tiếp ở vùng cao Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng chim đặc hữu ở miền Nam nên khu vực này có hệ động thực vật khá phong phú, đa dạng. Hiện nay, hệ thực vật tại vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có 696 loài, hệ động vật có 42 loài, trong đó có nhiều loài thú quan trọng, có giá trị cao. Tại các khu vực trảng, bưng, các vùng đất ngập nước du khách có thể ngắm nhiều loài cây, động vật quý hiếm như: cây nắp ấm (mới phát hiện lại trong tự nhiên sau hơn 100 năm), lan hoàng thảo, thủy nữ Campuchia, chà vá chân đen, khỉ đuôi lợn, hồng hoàng, gà lôi hồng tía, cò nhạn… Cùng với đó là các con suối chạy xuyên rừng, các vùng nước ngập, đặc biệt là dòng sông Vàm Cỏ Đông nổi tiếng với phong cảnh tuyệt đẹp.

Khi đến thăm quan vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát , bạn có thể chọn tuyến phù hợp: tuyến du lịch bằng xe đạp tham quan các điểm văn hóa di tích lịch sử; Tuyến du lịch thăm rừng dầu Trà Beng và trảng đất ngập nước Tà Nốt có thể quan sát thấy các loài hoa đẹp nổi tiếng của rừng; Tuyến du lịch bằng thuyền trên vùng ngập nước Tà Nốt; Tuyến tham quan Bàu Đưng có hoa bằng lăng tái sinh, hoa lan đất, đặc biệt là cây nắp ấm; Tuyến tham quan Bàu Điếc bằng xe bò, tìm hiểu đời sống sinh hoạt văn hóa, sản xuất của đồng bào Khmer…

Vườn Quốc gia Côn Đảo

Vườn Quốc gia Côn Đảo

Vườn Quốc gia Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, có diện tích gần 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha mặt nước. Vườn quốc gia Côn Đảo quy tụ 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới. Ngày 18 tháng 6 năm 2013 vườn quốc gia Côn Đảo đã được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là một trong 2.203 khu Ramsar và thứ 6 của Việt Nam.

Khi đến thăm quan nơi đây, du khách sẽ được tham gia hoạt động lặn ngắm san hô rất thú vị, xem rùa đẻ trứng, tắm biển, khám phá rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn hay tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển mà vườn quốc gia tiển khai.

Các vườn quốc gia vùng Tây Nam Bộ

Tây Nam Bộ là vùng đồng bằng rộng lớn với nhiều miệt vườn, kênh rạch, cù lao, rừng tràm nước ngập mặn rộng lớn. Tây Nam Bộ có 5 vườn quốc gia: Tràm Chim, Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ và Phú Quốc.

Vườn quốc gia Tràm Chim

Vườn quốc gia Tràm Chim

Vườn quốc gia Tràm Chim có diện tích 7.313 ha, thuộc tỉnh Đồng Tháp với diện tích 7.313 ha, nằm giữa vùng đất trũng ngập nước Đồng Tháp Mười của miền Tây, là hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam. Với hệ sinh thái vô cùng phong phú: 55 loài cá, gần 400 loài động vật nổi, động vật đáy và hơn 50 loài thú, lưỡng cư, bò sát, ngan cánh trắng, cốc đế, giáng sen, bồ nông chân xám, già sói… đặc biệt có sếu đầu đỏ, một loài chim quý hiếm trong sách đỏ. Ngày 22/5/2012, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đây là khu Ramsar 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới.

Nét đặc trưng miền sông nước nơi đây chính là du khách sẽ được du lịch trải nghiệm trên những chiếc ghe xuồng đi dọc theo kênh mương, ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thuộc địa phận xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha, trong đó diện tích phần đất liền 15.262 ha và ven biển 26.600 ha. Vườn quốc gia nằm ở vị trí tiếp giáp với biển Đông và biển Tây nên chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều: bán nhật triều biển Đông và nhật triều biển Tây, là bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế, là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trú đông có trong sách Đỏ của Việt Nam và thế giới. Ngày 26/5/2009, Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau được UNESCO đưa vào danh sách các Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vào ngày 13/4/2013, Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận VQG Mũi Cà Mau trở thành khu ramsar thứ 2.088 của thế giới và thứ 5 của Việt Nam.

Khi ghé thăm vườn quốc gia Mũi Cà Mau bạn có thể đến Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau tham quan và chụp hình kỷ niệm tại các biểu tượng đặc trưng của Đất Mũi như Cột Mốc tọa độ GPS 0001, tiểu cảnh panô (hình ảnh con tàu), tham quan bờ kè chắn sóng, biểu tượng óc len, cá thòi lòi, cầu làng rừng, cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, du lịch homestay…

Vườn quốc Gia U Minh Hạ

Vườn quốc Gia U Minh Hạ

Vườn Quốc gia U Minh Hạ thuộc phận hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, tỉnh Cà Mau, có diện tích 8.527 ha. Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong 3 điểm bảo tồn đất ngập nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, vào năm 2009 đã được UNESCO công nhận là một trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Mũi Cà Mau. Nơi đây có hệ thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước, như tràm, năn, sậy và các loài động vật như nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, các loại bò sát.

Nơi đây vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ hiếm nơi có được, do đó du khách sẽ có được những trải nghiệm vô cùng thú vị: đi xuồng trên những con kênh vào rừng ngắm nhìn thiên nhiên kỳ thú.

Vườn quốc gia U Minh Thượng

Vườn quốc gia U Minh Thượng

Vườn Quốc gia U Minh Thượng thuộc huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích 21.107 ha, trong đó vùng lõi chiếm 8.038 ha, vùng đệm chiếm 13.069 ha. U Minh Thượng là một trong hai khu vực quan trọng nhất của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam (khu vực khác là U Minh Hạ. Hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn trở thành một hệ sinh thái có tầm quan trọng đặc biệt, là nơi nuôi dưỡng, trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, với sự hiện diện của 32 loài thú, 186 loài chim, 50 loài bò sát, lưỡng cư, 60 loài cá, 203 loài côn trùng và nhiều loài thủy sinh vật phân bố ở các độ sâu khác nhau trong hệ sinh thái. Năm 2012, Vườn Quốc gia U Minh Thượng là Vườn Quốc gia thứ 5 của Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN và là Vườn Di sản ASEAN đầu tiên trên đất than bùn trong khu vực. Năm 2015, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng vẫn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ, giàu truyền thống lịch sử đã mang lại những trải nghiệm thú vị cho mỗi du khách khi ghé thăm. Ngoài thiên nhiên độc đáo, các bạn còn được thưởng thức những món ăn đặc sản nơi đây.

Vườn quốc gia Phú Quốc

Vườn quốc gia Phú Quốc

Vườn quốc gia Phú Quốc nằm phía đông bắc đảo Phú Quốc, của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, có tổng diện tích trên 31.422 ha. Vườn quốc gia Phú Quốc là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của nước ta có 3 hệ sinh thái rừng đặc trưng là rừng ngập mặn, rừng tràm úng phèn, rừng thường xanh rụng lá cây họ dầu. Phú Quốc có những khu rừng già nguyên sinh, hội tụ đầy đủ những nét đẹp tự nhiên khi có đầy rừng, biển, suối, thác và đồi núi.

Khi đến thăm quan vườn quốc gia Phú Quốc, du khách sẽ có cơ hội khám phá đỉnh núi Chúa ở độ cao 565m (nóc nhà của Phú Quốc), cắm trại, câu cá và thưởng thức các đặc sản nổi tiếng như rượu sim rừng Phú Quốc, còi biên mai nướng, cá suối…

Hy vọng thông qua bài viết này của Taxi Nội Bài 247, các bạn sẽ thêm yêu và tự hào hơn về thiên nhiên tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đất nước mình. Nếu có cơ hội hãy ghé thăm các vườn quốc gia ở Việt Nam để khám phá, chiêm ngưỡng, tận hưởng không khí trong lành của núi rừng thiên nhiên các bạn nhé!